Mụn trứng cá là gì?

Mụn trứng cá là tình trạng da phổ biến, thường gặp ở lứa tuổi dậy thì. Bệnh liên quan đến hệ thống nang lông tuyến bã, biểu hiện với các nốt sẩn nổi gồ lên trên da có hoặc không kèm tình trạng viêm đỏ. Vị trí thường ở vùng nhiều tuyến bã nhờn như mặt, ngực, lưng.

Bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ, tâm lý tự ti, làm giảm chất lượng cuộc sống và ảnh hưởng tới công việc người bệnh.

Biểu hiện của mụn trứng cá

Biểu hiện của mụn trứng cá

 

Nguyên nhân và cơ chế gây mụn trứng cá

Mụn trứng cá do nhiều nguyên nhân và cơ chế gây nên, việc hiểu rõ nguyên nhân giúp chúng ta đưa ra được phương pháp điều trị hiệu quả hơn. Bốn cơ chế chính gây ra mụn trứng ca chúng ta cần tìm hiểu bao gồm:

  • Gia tăng sản xuất bã nhờn, dầu thừa: Tuyến bã nhờn trên da hoạt động quá mức, dẫn đến việc sản xuất dầu dư thừa. Khi lỗ chân lông bị tắc, lượng dầu này không thể thoát ra ngoài, tạo môi trường cho vi khuẩn gây mụn phát triển và gây nên mụn
  • Tăng sừng hóa nang lông: Khi nang lông nhất là cổ nang lông tuyến bã bị sừng hóa làm cho ống bài xuất tuyến bã bị hẹp lại, khiến cho chất bã bị ứ đọng trong lòng tuyến bã. Nếu không xảy ra bội nhiễm, chất bã cô lại thành nhân trứng cá. Nếu xảy ra bội nhiễm, tuyến bã sẽ sinh mủ, quá trình viêm nhiễm lan sang tuyến bã khác, gây nên dạng trứng cá bọc, trứng cá viêm tấy.
  • Vi khuẩn: vi khuẩn quan trọng nhất trong bệnh học mụn trứng cá là vi khuẩn Cutibacterium. Trên cơ thể người có cơ địa tăng tiết bã nhờn, dày sừng nang lông tuyến bã là điều kiện cho vi khuẩn này phát triển.
  • Tình trạng viêm: sự xuất hiện của vi khuẩn sinh mụn, tạo ra các chất sinh học. Các chất này hoạt hóa hệ thống bổ thể, các bạch cầu đa nhân, gây tình trạng viêm vùng nang lông – tuyến bã

Yếu tố nguy cơ gây mụn

  • Nội tiết:

Nội tiết là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây nên mụn trứng cá. Độ tuổi dậy thì, phụ nữ mang thai, hoặc chu kỳ kinh nguyệt có sự thay đổi của hormon androgen, estrogen, progesterol, tuyến bã nhờn hoạt động bất thường, tạo điều kiện hình thành mụn.

  • Di truyền:

Trong gia đình nếu bố, mẹ bị mụn trứng cá thì khả năng con cái sẽ có nguy cơ bị mụn trứng cá.

  • Chế độ ăn:

Chế độ ăn nhiều đường, nhiều tinh bột tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và làm chậm quá trình phục hồi tổn thương do mụn

Các sản phẩm sữa: việc tiêu thụ một số sản phẩm từ sữa và chế phẩm từ sữa, dường như làm trầm trọng thêm tình trạng mụn trứng cá.

Ngoài ra ăn nhiều sản phẩm cay nóng và dầu mỡ cũng góp phần làm nặng thêm tình trạng mụn trứng cá

  • Các yếu tố khác:

Lối sống không lành mạnh như thức khuya, hút thuốc, uống rượu bia

Sử dụng mỹ phẩm không phù hợp với làn da, sử dụng sai cách, trang điểm nhiều

Tâm lý căng thẳng, mệt mỏi kéo dài cũng là một trong những nguyên nhân gây mụn

 

Dấu hiệu và triệu chứng mụn trứng cá

Mụn trứng cá được chia thành 2 nhóm: mụn không viêm và mụn viêm. Trong đó mụn không viêm là do tình trạng tăng sừng hóa nang lông và bít tắc lỗ nang lông, bao gồm mụn đầu trắng và mụn đầu đen. Mụn viêm thường có sự tham gia của yếu tố vi khuẩn, bao gồm nhiều hình dạng khác nhau như mụn mủ, sẩn, mụn nang, mụn bọc, mụn mạch lươn…

Mụn đầu trắng hay còn gọi là nhân trứng cá đóng là tổn thương nhỏ, hơi nhô trên da, có màu trắng ở phần đỉnh của mụn, nguyên nhân do tuyến bã nhờn bị tắc nghẽn.

Mụn đầu đen hay còn được gọi là nhân trứng cá mở. Sở dĩ được gọi như vậy là vì đầu mụn không được bít kín, nhân trứng cá tiếp xúc với không khí bên ngoài gây nên hiện tượng oxy hóa tạo màu đen trên bề mặt. Hình thái mụn là những chấm màu đen hay nút sừng nhỏ nằm trong các lỗ nang lông, thường xuất hiện ở vùng da có nhiều bã nhờn như mũi, trán, cằm.

Sẩn viêm là những tổn thương viêm nhô cao, có màu đỏ.

Mụn mủ là những tổn thương có màu đỏ, đầu mụn có mủ trắng.

Mụn bọc, nang là những mụn viêm lớn, ở sâu hơn, chứa mủ

Cách chăm sóc, điều trị và phòng ngừa mụn trứng cá

Mụn trứng cá có thể được điều trị bằng thuốc bôi, thuốc uống, peel, laser và ánh sáng sinh học…Tùy vào mức độ mụn và tình trạng da bác sĩ sẽ đưa ra liệu trình phù hợp với bạn.

Điều trị mụn bằng laser

Điều trị mụn bằng laser

 

Thay đổi thói quen và chăm sóc da tại nhà góp phần quan trọng trong việc điều trị và phòng ngừa tái phát mụn trứng cá. Bao gồm:

  • Rửa mặt với tần suất vừa đủ. Không nên rửa với xà phòng, sữa rửa mặt quá 2 lần/ngày. Điều này sẽ làm mất cân bằng pH trên da và tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
  • Không sờ tay lên mặt, không tự cạy mụn hoặc chà xát da tại các vị trí đang nổi mụn, điều này sẽ khiến nhiễm trùng bị đẩy vào sâu trong da hơn, gây, tắc nghẽn, sưng đỏ và viêm đau nghiêm trọng.
  • Giữ điện thoại cách xa mặt khi nói chuyện điện thoại, vì trên điện thoại có khả năng chứa vi khuẩn. Thường xuyên vệ sinh các vật dụng tiếp xúc với da mặt như khẩu trang, gối
  • Rửa tay trước khi chăm sóc da hoặc thoa dưỡng da, kem mụn
  • Đối với mụn ở lưng, vai hoặc ngực, nên mặc quần áo rộng rãi và thoáng mát khi ở nhà, hạn chế ra mồ hôi
  • Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, vì nó có thể kích thích da sản xuất nhiều bã nhờn hơn và khiến mụn hình thành. Ngoài ra còn gây thâm mụn kéo dài
  • Tránh lo lắng, căng thẳng… vì đây cũng là nguyên nhân gây bệnh mụn trứng cá.
  • Ăn nhiều rau xanh, trái cây, uống nhiều nước. Hạn chế thức ăn gây mụn như đồ ngọt, sữa và các sản phẩm từ sữa